Thay đổi thói quen tập thể thao sau dịch COVID-19
(Báo Người lao động) Các báo cáo tại Hội thảo quốc tế về khoa học thể thao (ICSS 2023) với chủ đề "Sự hồi phục và xu hướng của nền công nghiệp thể thao sau đại dịch COVID-19" do Trường ĐH Tôn Đức Thắng tổ chức cho thấy y sinh học thể thao, tâm lý học thể thao thay đổi rõ rệt sau dịch COVID-19.
PGS-TS Lim Boon Hooi, ĐH SEGi (Malaysia), cho biết mối quan tâm của người dân ngày càng tăng đối với sức khỏe và tập luyện thể dục. Theo PGS Lim Boon Hooi, xe đạp và chạy bộ là hai bộ môn phổ biến nhất thế giới, được nhiều người lựa chọn để luyện tập. Song song đó, phòng tập thể dục tại nhà đã trở nên phổ biến. Xe đạp được ưa chuộng vì đây là một môn thể thao thay thế cho việc đi lại hoặc tập thể dục trong thời gian cách ly xã hội mọi người cần phải duy trì khoảng cách, vệ sinh…
"Khi dịch COVID-19 xảy ra và sự căng thẳng của dịch bệnh dần qua đi, người dân quan tâm hơn đến sức khỏe và thể chất của họ. 50% người dân hiện nay tham gia tập thể dục thường xuyên" - PGS Lim Boon Hooi nói.
Bên cạnh đó, cộng đồng thể dục trực tuyến đang trở nên phổ biến khi mọi người có ý thức về sức khỏe hơn và tập thể dục tại nhà thường xuyên. Theo các nghiên cứu, 78%-85% khách hàng trẻ tuổi có xu hướng chi tiền cho các mặt hàng thể thao hoặc các lớp tập thể dục.
PGS Lim Boon Hooi dự đoán trong tương lai người dân tiếp tục ưa chuộng thể dục trực tuyến, phương pháp tập thể dục kỹ thuật số và quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe. Có đến 34% người trẻ sẵn sàng chi tiêu cho các bộ môn thể thao, nâng cao sức khỏe. Đây là sự thay đổi tích cực sau dịch COVID-19.
Trong khi đó, GS-TS Kallaya Kijboonchoo, Phó Chủ tịch Quỹ Khuyến khích dinh dưỡng (Thái Lan), cho rằng những người luyện tập thể dục, thể thao cũng ngày càng quan tâm, tìm hiểu nhiều hơn về chế độ dinh dưỡng.