Nhảy đến nội dung
kynang

Viết CV xin thực tập thế nào để chinh phục nhà tuyển dụng?

Để giành được “tấm vé” thực tập tại các doanh nghiệp, tập đoàn mơ ước thì một bản CV xin việc chuyên nghiệp là yếu tố không thể thiếu. Vậy làm sao để viết CV xin thực tập thu hút, chinh phục nhà tuyển dụng? Hãy theo dõi bài viết dưới đây!

CV xin thực tập cần có những thông tin gì?

 

Mẫu CV cho sinh viên thực tập cần bao gồm những thông tin cơ bản sau:

Thông tin cá nhân

Bạn cần cung cấp thông tin về:

  • Họ và tên
  • Ngày tháng năm sinh
  • Email
  • Số điện thoại
  • Địa chỉ (không cần ghi quá chi tiết)
  • LinkedIn, trang web cá nhân (nếu có)

Mục tiêu nghề nghiệp 

Mục tiêu nghề nghiệp trong CV có thể là mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, được thể hiện một cách ngắn gọn, rõ ràng trong khoảng 150-200 ký tự, tránh trình bày lan man, mơ hồ.

Tốt nhất, bạn nên chia sẽ những định hướng phù hợp với năng lực của bản thân, đồng thời mang đến giá trị đóng góp cho công ty.

Giới thiệu bản thân

Ở mục này, bạn chỉ cần viết khoảng 1-2 câu, sử dụng các tính từ và động từ mang tính tích cực để mô tả về tính cách và phong cách làm việc của bản thân. Điều này sẽ tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng hơn là viết dài dòng, lan man.

Học vấn

Khi viết học vấn trong CV, bạn cần nêu cụ thể tên trường, chuyên ngành và điểm GPA đạt được. Ngoài ra, đừng quên tận dụng những trải nghiệm có được khi ngồi trên ghế nhà trường để minh họa cho năng lực và tiềm năng phát triển của bản thân. 

Bạn có thể đề cập đến:

  • Thành tích nổi bật 
  • Cuộc thi đã tham gia (Bạn đạt được giải thưởng gì? Hay học được gì từ cuộc thi đó?) v.v.

Có thể bạn cho rằng những thành tích này không có gì lớn lao nhưng chúng lại tạo nên dấu ấn của riêng bạn, giúp nhà tuyển dụng có cái nhìn sâu sắc hơn về giá trị mà bạn có thể mang lại.

Kỹ năng

Ở mục này, bạn nên tập trung mô tả những kỹ năng nghề nghiệp cần thiết cho vị trí ứng tuyển. 

Ví dụ, khi ứng tuyển cho vị trí Marketing intern, nếu bạn đã có kinh nghiệm điều hành hoạt động của câu lạc bộ thì có thể đề cập các kỹ năng trong CV như: 

  • Quản lý Fanpage CLB
  • Lên kế hoạch nội dung theo tuần, tháng, ...

Bên cạnh đó, ngoài một số ít kỹ năng ngành nghề đặc thù, phần lớn kỹ năng mà nhà tuyển dụng cần có ở ứng viên đều thuộc dạng "transferable", nghĩa là có thể áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Những kỹ năng này thường thuộc nhóm kỹ năng mềm như:

  • Khả năng giải quyết vấn đề
  • Quản lý thời gian, tài chính
  • Đàm phán, thuyết phục,...

Đôi lúc, JD (bản mô tả công việc) sẽ không nêu cụ thể những kỹ năng mềm mà nhà tuyển dụng mong đợi ở ứng viên. Điều này đòi hỏi bạn cần có tư duy phân tích. Chẳng hạn, nếu môi trường làm việc được mô tả là cạnh tranh và có cường độ công việc cao, thì ứng viên phù hợp sẽ cần có khả năng chịu áp lực tốt.

Kinh nghiệm làm việc

Bất cứ trải nghiệm nào cũng có giá trị, cho dù đó là việc làm part-time, hay công việc tình nguyện. Bạn hoàn toàn có thể đưa những trải nghiệm này vào mục kinh nghiệm làm việc để minh chứng cho các kỹ năng của mình.

Khác

Nếu bạn cảm thấy thông tin mình cung cấp trong CV còn quá ít, bạn có thể thêm các mục như:

  • Dự án như sách báo, sự kiện, ấn phẩm,...
  • Chứng chỉ các khóa học offline hoặc online.
  • Người tham chiếu

3 lưu ý quan trọng khi viết CV xin thực tập

  1. Chèn từ khóa trong thông tin tuyển dụng vào CV

Rất nhiều công ty sử dụng hệ thống theo dõi ứng viên ATS để sàng lọc CV. Nếu CV của bạn không có chứa từ khóa khớp với JD, hồ sơ xin việc sẽ bị loại ngay từ “vòng gửi xe”. Vậy nên, điều bạn cần làm là đưa những từ khóa quan trọng từ JD vào CV của mình.

  1. Nghiên cứu kỹ bản mô tả công việc

Bản mô tả công việc (Job Description - JD) là kim chỉ nam để bạn hiểu rõ nhà tuyển dụng tìm kiếm điều gì ở ứng viên. CV của bạn càng trùng khớp với bản mô tả công việc bao nhiêu, khả năng vào được vòng phỏng vấn càng cao bấy nhiêu.

  1. Trình bày logic

Đối với CV dành cho sinh viên thực tập, các mục như “mục tiêu nghề nghiệp", “học vấn", và “kỹ năng" cần được đặt lên đầu để thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng.

Những lỗi cần tránh khi làm CV thực tập

  1. Không rà soát lỗi chính tả trước khi gửi

Dù sai chính tả không phải là lỗi lớn nhưng sẽ khiến nhà tuyển dụng thấy bạn là người không chỉn chu, cẩn thận. Vậy nên, hãy cẩn thận kiểm tra lại lỗi chính tả, ngữ pháp và thông tin nhà tuyển dụng nhé!

  1. Sử dụng ảnh và địa chỉ email thiếu chuyên nghiệp

Về ảnh đại diện, bạn nên chọn một bức ảnh rõ nét, trang phục gọn gàng, đầu tóc chỉn chu và phông nền đơn giản, chuyên nghiệp. Tránh sử dụng ảnh mờ, thiếu sáng, ảnh toàn thân, ảnh selfie hoặc ảnh thẻ vì dễ tạo cảm giác thiếu nghiêm túc.

Về email liên lạc, hãy sử dụng một địa chỉ email đơn giản, dễ đọc và mang tính chuyên nghiệp. Tránh những email rườm rà, quá cá nhân hoặc thiếu nghiêm túc như: heocon_luvu@yahoo.com.

  1. Sử dụng nhiều font chữ trong CV

Việc sử dụng quá nhiều font chữ trong CV có thể khiến bố cục trở nên rối mắt và thiếu chuyên nghiệp. Tốt nhất, bạn chỉ nên dùng 1 font chữ duy nhất, kết hợp với cách in đậm hoặc thay đổi kích thước để tạo điểm nhấn. 

 

Kết luận

Viết CV xin thực tập chỉn chu không chỉ giúp bạn nổi bật giữa hàng trăm ứng viên, mà còn thể hiện sự chuyên nghiệp và thái độ nghiêm túc với công việc. Vậy nên, bạn hãy đầu tư thời gian, công sức để chuẩn bị kỹ lưỡng từ nội dung đến hình thức. 

Nếu bạn chưa biết bắt đầu từ đâu, tham khảo ngay công cụ tạo CV online miễn phí của Cake để tối ưu hóa CV của mình nhờ AI một cách dễ dàng!