Nhảy đến nội dung
cv, cơ hội việc làm

Sinh viên chưa có kinh nghiệm, viết CV như thế nào?

Sinh viên chưa có kinh nghiệm, viết CV như thế nào?

Là một sinh viên mới tốt nghiệp, bạn lo lắng CV của mình sẽ “mờ nhạt” trong mắt nhà tuyển dụng vì chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc thực tế hay sở hữu thành tích ấn tượng để “show”.

Đừng lo, bài viết này sẽ hướng dẫn bạn tận dụng tối đa những gì mình đang có để nắm được cách viết CV chuyên nghiệp, chỉn chu dù chưa từng đi làm chính thức.

Thông tin cần có trong CV cho người chưa có kinh nghiệm

Dù bạn có hay chưa có kinh nghiệm thì trong CV xin việc vẫn cần cung cấp đầy đủ những thông tin sau:

1. Thông tin cá nhân

Bất kỳ CV nào cũng cần cung cấp thông tin cơ bản như:

  • Họ tên
  • Số điện thoại
  • Email
  • Địa chỉ nơi bạn sinh sống (không cần viết quá chi tiết)

Bạn hãy để mục này ngay đầu CV để nhà tuyển dụng có thể dễ dàng tìm kiếm khi cần nhé!

2. Giới thiệu bản thân

Bạn là ai và bạn muốn trở thành một người như thế nào trong 5 năm tới? Mục này sẽ thể hiện “lợi thế cạnh tranh” và mục tiêu nghề nghiệp của bạn, giúp nhà tuyển dụng xem xét định hướng của bạn có phù hợp với vị trí ứng tuyển và mục tiêu của công ty không.

3. Kinh nghiệm làm việc

Dù chưa có kinh nghiệm thực tế, bạn cũng đừng vội bỏ trống phần này. CV chưa có kinh nghiệm cũng có thể trình bày việc làm thêm, dự án cá nhân hoặc công việc thực tập. Tuy nhiên, bạn chỉ nên chọn những công việc liên quan đến vị trí ứng tuyển.

Ví dụ, bạn từng là CTV Sales và bạn đang apply cho vị trí Content Executive thì bạn cần trình bày được nhờ công việc này mà bạn hiểu khách hàng hơn nên có thể viết content tốt hơn.

4. Trình độ học vấn

Bạn nên nêu rõ tên trường, chuyên ngành và thời gian tốt nghiệp trong phần này. Nếu điểm GPA xuất sắc hoặc có thành tích nổi trội như tốt nghiệp thủ khoa, giải thưởng cuộc thi liên quan đến ngành học thì đừng quên ghi vào CV để tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng nha.

5. Kỹ năng và Điểm mạnh

Với những ai đã đi làm và có kinh nghiệm, phần kỹ năng trong CV chỉ là yếu tố phụ, góp phần giúp hồ sơ ghi thêm điểm với nhà tuyển dụng. Nhưng nếu bạn mới tốt nghiệp, chưa có nhiều kinh nghiệm, thì kỹ năng lại chính là phần cần được làm nổi bật.

Bạn nên tập trung thể hiện rõ cả kỹ năng cứng và kỹ năng mềm phù hợp với vị trí ứng tuyển. Ví dụ, nếu bạn đang tìm việc trong lĩnh vực sáng tạo, hãy mạnh dạn đưa vào các kỹ năng như sử dụng phần mềm thiết kế, chỉnh sửa video, viết nội dung… Đồng thời, đừng quên những kỹ năng mềm quan trọng như giao tiếp, thuyết trình hay làm việc nhóm. Đây là những điểm cộng lớn giúp bạn nổi bật hơn trong mắt nhà tuyển dụng đấy!

6. Khác

Nếu chưa có kinh nghiệm làm việc, bạn có thể làm phong phú CV bằng cách thêm vào các chứng chỉ, hoạt động ngoại khóa, dự án cá nhân, giải thưởng và sở thích để thể hiện sự chủ động và tiềm năng của bản thân. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, bạn chỉ nên chọn cái nào liên quan đến vị trí ứng tuyển thôi nhé!

Nếu bạn vẫn còn loay hoay chưa biết bắt đầu từ đâu thì có thể sử dụng công cụ tạo CV miễn phí của Cake. Nền tảng này có tính năng chấm điểm CV bằng AI giúp scan CV và cung cấp gợi ý chi tiết để làm nổi bật chuyên môn của bạn, tăng cơ hội tiến tới vòng phỏng vấn.

4 lưu ý dành cho CV chưa có kinh nghiệm

 

1. Hình thức chỉn chu

Dù kiến thức, kỹ năng của bạn có tốt đến đâu nhưng CV lại trình bày một cách cẩu thả thì bạn cũng sẽ mất điểm nghiêm trọng trong mắt nhà tuyển dụng. Vậy như thế nào là một CV chỉn chu?

Thứ nhất, các thông tin trong CV cần được trình bày rõ ràng, đầy đủ và logic từ hình ảnh đến câu từ. Thứ hai, bạn chỉ nên sử dụng tối đa 2 phông chữ trong CV. Bạn có thể thay đổi độ đậm, nhạt hoặc kích thước chữ sao cho nhà tuyển dụng có thể scan CV và nắm bắt thông tin của bạn một cách dễ dàng.

Thứ ba, CV tuyệt đối không được sai chính tả. Bạn nên kiểm tra cẩn thận 2-3 lần trước khi gửi cho nhà tuyển dụng nhé!

2. Đi thẳng vào trọng tâm vấn đề

Thông thường, nhà tuyển dụng chỉ dành 30 giây để lướt qua CV của bạn. Nếu bạn viết quá dài dòng, lan man, họ sẽ bỏ qua. Do đó, khi viết CV xin việc, bạn nên trình bày ngắn gọn, đúng trọng tâm, gói gọn trong 1 trang A4.

3. Đừng apply nhiều công ty với cùng 1 CV

Mỗi công ty đều có một đặc trưng thương hiệu riêng và họ cũng có mô tả công việc và yêu cầu ứng viên khác nhau. Vậy nên, hãy đọc thật kỹ JD của nhà tuyển dụng để hiểu rõ vị trí công việc, từ đó viết đúng insight của họ.

Ví dụ như bạn ứng tuyển vào vị trí Content Marketing với những yêu cầu như viết nội dung dựa trên hành trình của khách hàng, biết design cơ bản video và hình ảnh, tư duy sáng tạo,... Nếu bạn chưa có kinh nghiệm đi làm thực tế, bạn có thể trình bày kinh nghiệm có được khi tham gia câu lạc bộ ở trường hay dự án cá nhân như “Xây dựng kênh TikTok từ 0 đến 5.000 followers trong vòng 3 tháng”. Bạn xác định tệp người xem của kênh như thế nào? Hành vi của họ ra sao? Họ thích nội dung gì?,...

4. Có dẫn chứng cụ thể

Kết quả là tối quan trọng để thể hiện khả năng của bạn. Bạn có thể sử dụng cấu trúc “Result-Action-Scope” để trình bày cho những dự án mình tham gia. Ví dụ, trong dự án quản lý Fanpage cho câu lạc bộ truyền thông của trường, tôi làm A, B, C, D và giúp số lượng followers của trang tăng từ X đến Y trong vòng E tháng.

Lời kết

Đừng để việc chưa có kinh nghiệm trở thành rào cản ngăn bạn tiếp cận những cơ hội nghề nghiệp mơ ước. Một CV chỉn chu, chuyên nghiệp vẫn đủ sức ghi điểm nếu bạn biết cách làm nổi bật tiềm năng của mình. Chúc bạn sớm có được công việc mình muốn!